Hàng loạt các dự án hạ tầng, công nghiệp thông minh đang ‘lột xác’ Bàu Bàng trở thành tâm điểm giao thương của vùng kinh tế phía Nam, đồng thời tạo bệ phóng cho bất động sản nơi đây phát triển mạnh mẽ.

”Kỳ tích” Bàu Bàng

Sau hơn hai thập kỷ tái lập và phát triển theo định hướng trở thành thủ phủ công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương đã hoàn toàn chuyển biến về nhiều mặt. Từ một tỉnh thuần nông nghèo nàn, ngày nay kinh tế, đô thị đến an sinh, xã hội tại Bình Dương đều thay đổi thần tốc. Tháng 10 mới đây, Bình Dương lọt vào top 7 cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới năm 2021.

Sang giai đoạn tới, Bình Dương đưa công nghiệp làm trụ cột kinh tế của tỉnh và theo đuổi phương châm “hạ tầng đi trước và đón đầu”. Với chiến lược này, trục phát triển của tỉnh chuyển hướng lên phía Bắc như Bàu Bàng, Tân Uyên, Bến Cát… Giới quan sát cho rằng, chẳng mấy chốc Bàu Bàng hiện được xem là địa phương sáng giá nhất khi sở hữu cùng lúc nhiều lực đẩy từ vị trí, hạ tầng, dòng vốn.

Với vị trí cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hơn 50km, trung tâm TP Thủ Đức 50km và khu lõi hành chính tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh chỉ 15 phút di chuyển, Bàu Bàng là điểm nút giao thông quan trọng và tâm điểm tương lai của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Hệ thống hạ tầng nổi bật có tuyến Mỹ Phước – Tân Vạn quy mô 10 làn xe đã được thông xe toàn tuyến hồi quý 2/2021. Trong đó điểm đầu là KCN Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương), điểm cuối là nút giao Tân Vạn (Xa lộ Hà Nội, TP.HCM), có đoạn trùng với đường Vành đai 3 của TP.HCM.

Nút giao cuối cùng của đường Mỹ Phước – Tân Vạn kết nối với quốc lộ 13 đoạn qua Trung tâm hành chính huyện Bàu Bàng

Ngoài ra, tuyến Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng khởi công tháng 10/2021 cũng là một trong những dự án chiến lược, có ý nghĩa quan trọng hoàn thiện hạ tầng kết nối giao thương từ phía Nam đến phía Bắc của tỉnh và thông suốt đến huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.

Hay mới đây, TP.HCM và Bình Phước cũng đã thống nhất về chủ trương xây dựng tuyến cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành. Theo quy hoạch, tuyến cao tốc này dài 73 km, thiết kế 6-8 làn xe, vốn đầu tư khoảng 28.200 – 33.800 tỷ đồng. Bàu Bàng được xem là khu vực hưởng lợi trực tiếp từ tuyến cao tốc này.

Hiện tại, huyện đã là nơi đóng quân của hàng loạt các khu công nghiệp hiện đại, như Bàu Bàng, Cây Trường, Lai Hưng, Tân Bình. Năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng đạt trên 21.000 tỷ đồng; thương mại – dịch vụ đạt 5.458 tỷ đồng; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 2.000 tỷ đồng.

Theo Cafeland